Xã hội Người_Indonesia_gốc_Hoa

Ước tính dân số Peranakan (đỏ) và Totok (hồng) trong thế kỷ 20[94]

Các học giả nghiên cứu về người Hoa Indonesia thường phân biệt các thành viên trong nhóm theo xuất thân chủng tộc và xã hội-văn hóa của họ: "totok" và "peranakan". Hai thuật ngữ ban đầu được sử dụng để phân biệt về phương diện chủng tộc người Hoa thuần chủng và những người có huyết thống hỗn hợp. Một ý nghĩa thứ hai đối với các thuật ngữ nổi lên về sau mà theo đó "totok" được sinh tại Trung Quốc, và bất kỳ ai sinh tại Indonesia được nhìn nhận là "peranakan".[lower-alpha 6] Phân khúc trong các cộng đồng "totok" diễn ra quanh phân chia nhóm ngôn ngữ, mô hình này trở nên ít rõ ràng hơn kể từ khi bước vào thế kỷ 20. Trong "peranakan" bản địa hóa, phân khúc diễn ra quanh tầng lớp xã hội, điều này được xếp hạng theo giáo dục và địa vị gia đình thay vì sự thịnh vượng.[95]

Giới tính và họ hàng

Nữ giới và nhi đồng người Hoa Indonesia, đi cùng là một vú em "pribumi". Hầu như tất cả người giúp việc gia đình và tài xế mà người Hoa Indonesia thuê là "pribumi".[96]

Cấu trúc họ hàng trong cộng đồng "totok" tuân theo các truyền thống phụ hệ, phụ cư, và phụ quyền của xã hội Trung Hoa, lệ này mất đi tầm quan trọng trong quan hệ gia đình "peranakan". Thay vào đó, mô hình họ hàng trong các gia đình bản địa hóa kết hợp các yếu tố truyền thống mẫu hệ, mẫu cư, và mẫu quyền có trong xã hội Java. Trong cộng đồng này, con trai và con gái đều có thể kế thừa tài sản gia đình, bao gồm cả thờ cúng tổ tiên.[97] Quyền lực chính trị, xã hội, và kinh tế trong các gia đình "peranakan" được phân bố đồng đều hơn giữa hai giới tính so với trong các gia đình "totok". Quan hệ dòng họ không phân biệt giữa bên ngoại và bên nội, và đa thê rất không được tán thành. Ảnh hưởng của phương Tây trong xã hội "peranakan" được chứng minh bằng tỷ lệ cao các cặp đôi không có con. Những người có con thì số con cũng ít hơn các cặp đôi "totok".[98]

Mặc dù tách khỏi các mô hình họ hàng truyền thống, song các gia đình "peranakan" gần gũi với một số giá trị truyền thống Trung Hoa hơn là "totok". Do các cư dân bản địa hóa mất nhiều liên kết với quê hương tổ tiên của họ tại Trung Quốc, họ ít chịu tác động của các mô hình hiện đại hóa trong thế kỷ 20 làm biến đổi khu vực. "Peranakan" có một quan điểm nghiêm chỉnh hơn đối với ly hôn, mặc dù tỷ lệ ly hôn trong các gia đình tại cả hai phân khúc thường thấp hơn các dân tộc khác. Hôn nhân sắp đặt là phổ biến hơn trong các gia đình "peranakan", vốn có quan hệ mang khuynh hướng quần thể hơn. Sự thế tục trong nhóm "totok" có nghĩa là họ tiến hành thờ cúng tổ tiên ở một mức độc cao hơn, và thanh niên "peranakan" có khuynh hướng tôn giáo hơn. Thông qua giáo dục của các trường Công giáo và Tin Lành chất lượng cao, các thanh niên này có nhiều khả năng cải sang Cơ Đốc giáo.[99]

Trong thế kỷ 21, khác biệt về nhận thức "totok" và "peranakan" dần trở nên lạc hậu do một số gia đình thể hiện hỗn hợp các đặc điểm của cả hai văn hóa.[100] Hôn nhân dị chủng và đồng hóa văn hóa thường ngăn chặn hình thành một định nghĩa chính xác về người Hoa Indonesia phù hợp với bất kỳ tiêu chuẩn chủng tộc đơn giản nào. Sử dụng một họ tiếng Hoa, trong một số hình thức hoặc hoàn cảnh, thường là một dấu hiệu tự xác nhận văn hóa như dân tộc Hoa hoặc liên kết với một hệ thống xã hội người Hoa.[80]

Năng lực kinh tế

Các mỏ thiếc trên đảo Bangka hầu như hoàn toàn tuyển dụng lao công người Hoa.

Các thành viên của cộng đồng "totok" có khuynh hướng cao hơn trong việc trở thành doanh nhân và trung thành với quan hệ xã hội trong kinh doanh.[101] Trong thập niên đầu tiên sau khi Indonesia độc lập, địa vị kinh doanh của họ được củng cố do kết thúc các hạn chế đối với các doanh nghiệp nhỏ từ thời thuộc địa. Đến thập niên 1950, gần như toàn bộ các cửa hàng bán lẻ tại Indonesia thuộc sở hữu của các doanh nhân người Hoa, họ kinh doanh từ bán tạp phẩm đến vật liệu xây dựng. Các thương nhân bản địa nhanh chóng trở nên bất mãn, họ cảm thấy không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp của người Hoa.[102] Dưới áp lực từ các thương nhân bản địa, chính phủ ban hành chương trình Benteng và Điều lệ Tổng thống 10 năm 1959, theo đó áp đặt các hạn chế đối với hãng nhập khẩu và cửa hàng bán lẻ nông thôn của người Hoa. Các doanh nghiệp của người Hoa vẫn tồn tại, họ hợp nhất với các mạng lưới rộng hơn khắp Đông Nam Á, địa vị chi phối của họ tiếp tục bất chấp các nỗ lực tiếp diễn của nhà nước và tư nhân nhằm xúc tiến tăng trưởng tư bản bản địa.[103] Các doanh nghiệp của người Hoa Indonesia là bộ phận của mạng lưới gồm các doanh nghiệp người Hoa hải ngoại hoạt động tại các thị trường Đông Nam Á, họ chia sẻ các liên kết gia đình và văn hóa chung.[104]

Các chính sách của chính phủ thay đổi đột ngột sau năm 1965, trở nên tán thành hơn với khuếch tương kinh tế. Trong một nỗ lực nhằm khôi phục kinh tế, chính phủ quay sang những người sở hữu khả năng đầu tư và phát triển hoạt động doanh nghiệp. Các nhà tư bản người Hoa được quân đội hỗ trợ, quân đội nổi lên thành lực lượng chính trị chiếm ưu thế sau năm 1965.[103] Các doanh nhân bản địa lại một lần nữa yêu cầu hỗ trợ đầu tư lớn hơn từ chính phủ trong thập niên 1970, song các nỗ lực lập pháp thất bại trong việc giảm sự chi phối của người Hoa.[105] Trong một nghiên cứu vào năm 1995 của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, xấp xỉ 73% giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết công khai (không bao gồm công ty ngoại quốc và quốc doanh) thuộc sở hữu của người Hoa Indonesia. Ngoài ra, họ sở hữu 68% trong 300 tập đoàn hàng đầu và chín trong mười tập đoàn tư nhân hàng đầu vào cuối năm 1993.[106] Số liệu này truyền đi niềm tin chung rằng người Hoa—đương thời ước tính chiếm 3% dân số—kiểm soát 70% kinh tế.[107][108][109] Mặc dù tính chính xác của niềm tin này bị tranh chấp, song hiển nhiên một cách biệt về của cải tồn tại theo ranh giới dân tộc. Hình ảnh về cộng đồng người Hoa hùng mạnh về kinh tế được chính phủ bồi dưỡng hơn nữa do người Hoa bất lực trong việc tách bản thân khỏi các hệ thống bảo trợ.[110] Nhóm Phúc Châu chiếm ưu thế trong môi trường kinh doanh của người Hoa dưới thời chính phủ Suharto, song các nhóm khác nổi lên sau năm 1998.[50]

Năm tập đoàn hàng đầu tại Indonesia trước khủng hoảng tài chính châu Á 1997 đều do người Hoa sở hữu, với tổng doanh thu thường niên là 112 nghìn tỷ rupiah (47 tỷ USD).[111] Khi khủng hoảng tác động đến Indonesia, đồng rupiah lao dốc đã tàn phá nghiêm trọng hoạt động của các tập đoàn. Nhiều tập đoàn mất phần lớn tài sản của mình và sụp đổ. Trong vài năm sau đó, các tập đoàn phải nỗ lực để hoàn trả các khoản nợ quốc tế và nội địa.[112] Các cải cách thi hành sau năm 1998 có mục đích đưa kinh tế thoát khỏi các dàn xếp đầu sỏ dưới Trật tự Mới;[113] tuy nhiên các kế hoạch cải cách tỏ ra quá lạc quan. Khi Tổng thống B. J. Habibie tuyên bố trong một phỏng vấn ngày 19 tháng 7 năm 1998 với The Washington Post rằng Indonesia không phụ thuộc vào các doanh nhân người Hoa, giá trị của rupiah giảm 5%.[lower-alpha 7] Phản ứng bất ngờ này khuyến khích các thay đổi tức thì trong chính sách, và Habibie nhanh chóng khởi đầu việc lôi kéo các tập đoàn để giành ủng hộ của họ trong các kế hoạch cải cách.[114] Hầu hết ban đầu lo ngại về dân chủ hóa, song quá trình biên duyên hóa xã hội có nghĩa người Hoa lần đầu tiên được nhìn nhận là các thành viên bình đẳng trong xã hội trong lịch sử quốc gia.[115][116] Gia tăng tự chủ khu vực cho phép các tập đoàn còn tồn tại phát triển các cơ hội mới tại ngoại tỉnh, và các cải cách kinh tế thiết lập một thị trường tự do hơn.[117]

Hoạt động chính trị

Từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, các cộng đồng người Hoa bị chi phối bởi sự hiện diện của "peranakan".[118] Tiếp theo giai đoạn này là sự phát triển của xã hội "totok". Nằm trong nỗ lực tái Hán hóa của cộng đồng người Hoa bản địa hóa, một trong trào liên kết nổi lên với mục tiêu về một đặc tính chính trị người Hoa thống nhất. Phong trào sau đó bị phân ly trong thập niên 1920 khi tầng lớp tinh hoa "peranakan" kháng cự sự lãnh đạo của "totok" trong phong trào dân tộc chủ nghĩa, và hai nhóm phát triển các mục tiêu riêng của mình.[119] Các lãnh tụ "peranakan" sau đó lựa chọn liên kết cộng đồng của họ với người Hà Lan, là thế lực bãi bỏ các chính sách kỳ thị chủng tộc vào năm 1908. Hai cộng đồng lại tìm được tiếng nói chung trong phản đối quân Nhật khi lực lượng chiếm đóng đối đãi xúc phạm với tất cả các nhóm người Hoa.[120]

Sau khi độc lập, vấn đề quốc tịch bị chính trị hóa và dẫn đến hình thành Baperki vào năm 1954, là chính đảng hoặc tổ chức quần chúng đầu tiên và lớn nhất của người Hoa Indonesia. Baperki và các thành viên đa số là "peranakan" lãnh đạo hoạt động phản đối chống một dự thảo luật mà sẽ hạn chế số lượng người Hoa có thể đạt được quyền công dân Indonesia. Phong trào phải đương đầu với Đảng Masyumi Hồi giáo vào năm 1956 khi đảng này kêu gọi thi hành hành động quả quyết đối với các doanh nghiệp bản địa.[45] Trong bầu cử lập pháp năm 1955, Baperki nhận được 178.887 phiếu và giành một ghế trong Hội đồng đại biểu Nhân dân (DPR). Cũng trong năm đó, hai đại biểu của Baperki cũng được bầu vào Hội đồng Lập pháp.[121]

Các chính đảng dựa trên dân tộc bị cấm chỉ dưới chính phủ của Tổng thống Suharto, chỉ để lại ba đảng do người bản địa chi phối là Golkar, Đảng Phát triển Liên hiệp (PPP), và Đảng Dân chủ Indonesia (PDI). Phi chính trị hóa xã hội Indonesia hạn chế các hoạt động của người Hoa chỉ giới hạn trong kinh tế. Những người Hoa Indonesia chỉ trích chế độ hầu hết là "peranakan" và nhận định bản thân là người Indonesia, để lại cộng đồng người Hoa không có thủ lĩnh ràng.[121] Trước bầu cử lập pháp 1999, sau khi Suharto từ nhiệm, tạp chí tin tức Tempo tiến hành một khảo sát với các cử tri có lẽ là người Hoa Indonesia về chính đảng mà họ lựa chọn, 70% ủng hộ PDI–P- một chính đảng dân tộc chủ nghĩa được cho là có thiện chí với người Hoa. Đảng này cũng hưởng lợi từ sự hiện diện của nhà kinh tế học Quách Kiến Nghĩa (Kwik Kian Gie), người được kính trọng cao từ các cử tri người Hoa và các cử tri khác.[122]

Các chính đảng dân tộc mới hình thành như PARTI và PBI thất bại trong việc thu thập nhiều ủng hộ trong bầu cử năm 1999. Bất chấp kết quả này, số lượng các ứng cử viên người Hoa Indonesia trong bầu cử quốc gia tăng từ ít hơn 50 vào năm 1999 lên đến gần 150 vào năm 2004.[123] Trong số 58 ứng cử viên gốc Hoa chạy đua chức vụ đại biểu từ Jakarta trong bầu cử lập pháp 2009, có hai người đắc cử.[124]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_Indonesia_gốc_Hoa http://articles.chicagotribune.com/1998-03-18/news... http://www.ethnologue.com/show_country.asp?name=ID http://afp.google.com/article/ALeqM5gZ68H857ADsOp8... http://books.google.com/?id=aSEJqSQS7wkC&pg=PA179&... http://books.google.com/?id=ggyl2FSzXvgC&pg=PA12&d... http://books.google.com/books?id=pcRlgZttsMUC http://www.nytimes.com/1998/06/28/magazine/the-cap... http://www.nytimes.com/2006/04/27/opinion/27iht-ed... http://majalah.tempointeraktif.com/id/arsip/2007/0... http://www.thejakartapost.com/news/2008/05/17/film...